Sở dĩ 2 dự án này chậm tiến độ là do vướng giải tỏa,ốihậuthưlong châu có hộ đã chấp nhận di dời nhưng sau đó cản trở thi công để xin hỗ trợ thêm, trong khi địa phương chưa quyết liệt. Mặt bằng bàn giao chắp vá không chỉ làm dự án kéo dài, thi công cầm chừng, nhà thầu "đuối sức", mà còn ảnh hưởng việc đi lại, dân sinh, gây tốn kém chi phí không chính thức để vận động người dân, chính quyền hỗ trợ thi công nhưng vẫn không dứt điểm được.
Không chỉ 2 công trình nói trên khiến những tổ chức, cá nhân liên quan "ngồi trên lửa", mà vướng mắc lớn nhất ở hầu hết dự án đầu tư công, đều từ giải phóng mặt bằng.
Đại diện một ban quản lý bày tỏ ủng hộ sự cương quyết của lãnh đạo thành phố, nếu bị kỷ luật thì đơn vị cũng chấp nhận để các ban bệ, từ thành phố đến huyện, xã bắt buộc phải quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ, lấy lại uy tín cho chính quyền. Đành rằng cần chia sẻ với những khó khăn của địa phương, chẳng đặng đừng mới cưỡng chế, nhưng nghĩ cho người dân khác với bàn lùi, sợ đụng chạm, ngại tham mưu.
Trong bối cảnh sức khỏe khối kinh tế tư nhân chưa khả quan, đầu tư công có vai trò dẫn dắt. Nếu các cấp xử lý trực tiếp cứ thiếu quyết liệt thì hậu quả nhãn tiền là giải ngân đầu tư công năm 2023 của TP.Đà Nẵng có nguy cơ không đạt, hạ tầng công trình trọng điểm chậm trễ, kéo theo rất nhiều hệ lụy xã hội khác.
Thực tế có dự án đích thân lãnh đạo Đà Nẵng phải 5 lần 7 lượt trực tiếp xuống hiện trường, xử lý từng hồ sơ thì mới thông tuyến. Hy vọng tối hậu thư nói trên không chỉ giải quyết được tình trạng nếu không có bí thư, chủ tịch - người đứng đầu trực tiếp giải quyết thì công việc không thông, mà còn sẽ trở thành công thức chung để trị căn bệnh trầm kha chậm tiến độ.
Tối hậu thư của Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng hy vọng sẽ là liều thuốc đắng đủ mạnh để cấp dưới quyết tâm hơn, giải quyết dứt điểm vấn đề giải phóng mặt bằng.