TheàlãigộptăngmạnhVietnamAirlinesvẫnchưahếtkhóxsvto báo cáo tài chính hợp nhất quý 3, Vietnam Airlines đạt tổng doanh thu từ bán hàng và cung cấp dịch vụ 23.753 tỉ đồng, tăng trưởng 11,7% so với quý 3/2022.
Đây là quý thứ 8 liên tiếp doanh thu của Vietnam Airlines tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước. Sau khi trừ đi giá vốn, Vietnam Airlines ghi nhận lãi gộp 1.240 tỉ đồng trong quý 3, khả quan hơn nhiều so với số lãi 165 tỉ đồng của cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 9 tháng, Vietnam Airlines đạt doanh thu gần 68.100 tỉ đồng, tăng 32,5% so với cùng kỳ; lãi gộp đạt hơn 4.100 tỉ đồng, trái ngược với khoản lỗ gộp 1.798 tỉ của ba quý đầu năm 2022.
Sau khi hạch toán hết các khoản chi phí, Vietnam Airlines lỗ sau thuế 3.535 tỉ đồng trong 9 tháng, chỉ bằng gần một nửa so với cùng kỳ. Khoản lỗ của quý 3 cũng giảm 13,5% so với quý 3/2022.
Báo cáo giải trình của Tổng công ty cho biết, lỗ sau thuế hợp nhất quý 3 vừa qua giảm so với cùng kỳ 2022 chủ yếu do giảm lỗ của các đơn vị vận tải (công ty mẹ Vietnam Airlines và Pacific Airlines), trong khi các công ty con kinh doanh có lãi.
Tổng doanh thu và thu nhập khác quý 3 của công ty mẹ tăng 22,2% so với cùng kỳ 2022 (tăng gần 3.300 tỉ đồng) chủ yếu do doanh thu cung cấp dịch vụ tăng 21,2%, tương đương thêm 2.847 tỉ. Doanh thu quốc tế cải thiện đáng kể nhờ thị trường khu vực châu Âu, Úc và Mỹ phục hồi tốt.
Tổng chi phí quý 3 của công ty mẹ tăng 17%, thấp hơn tốc độ tăng của doanh thu. Do vậy, kết quả kinh doanh cuối cùng ghi nhận cải thiện rõ rệt khi công ty mẹ lãi gộp về cung cấp dịch vụ đạt hơn 447,6 tỉ đồng, lỗ sau thuế giảm hơn 449 tỉ đồng so với cùng kỳ năm trước.
Vietnam Airlines cho biết, do thị trường vận tải thời gian qua từng bước phục hồi và Tổng công ty chủ động triển khai hàng loạt các giải pháp ngắn hạn và dài hạn như điều hành linh hoạt cung ứng tải vận chuyển, giảm thiểu chi phí, đàm phán giảm giá dịch vụ… nên mức lỗ quý này đã thấp hơn so với cùng kỳ 2022.
Vietnam Airlines đánh giá hoạt động kinh doanh vận tải tuy có cải thiện nhưng vẫn chưa cân bằng được thu chi do thị trường quốc tế chưa phục hồi hoàn toàn về mức trước dịch (năm 2019). Các yếu tố chiến tranh, rủi ro tài chính và chi phí đầu vào như giá nhiên liệu, tỷ giá, lãi suất vẫn tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả sản xuất kinh doanh.
Số liệu từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy, giá nhiên liệu bay Jet A1 trung bình 9 tháng đầu năm nay là khoảng 114 USD/thùng, thấp hơn so với mức bình quân 143 USD/thùng của 9 tháng đầu năm ngoái nhưng vẫn cao hơn nhiều so với mức 80 USD/thùng thời kỳ trước Covid-19. Việc các ngân hàng trung ương đồng loạt thắt chặt tiền tệ để chống lạm phát cũng khiến cho chi phí lãi vay của Vietnam Airlines tăng lên trong những quý vừa qua.