Giấu dịch,ỏimònchờtiềnhỗtrợtiêuhủygiasúmột cốc bằng bao nhiêu aoxơ tuồn lợn bị bệnh ra thị trường
Năm 2021, dịch tả lợn châu Phi lan đến nhiều xã của H.Thanh Chương (Nghệ An). Gia đình ông Hoàng Văn Việt (trú xã Đại Đồng, H.Thanh Chương) phải tiêu hủy cả 7 con lợn; trong đó 3 con lợn mẹ, 4 lợn phối giống, thiệt hại hàng chục triệu đồng. Thế nhưng đến nay, ông Việt và các hộ chăn nuôi của xã này có lợn phải tiêu hủy vẫn chưa nhận được tiền hỗ trợ của Nhà nước. Vào thời điểm này, bệnh viêm da nổi cục ở trâu, bò xuất hiện tại Nghệ An, khiến hàng trăm con trâu, bò phải tiêu hủy. Tuy nhiên, đến nay, người chăn nuôi cũng vẫn chưa nhận được hỗ trợ.
Một địa phương khác có rất nhiều hộ chăn nuôi lợn của Nghệ An là H.Yên Thành cũng lâm vào cảnh tương tự. Bà Đường Phi Hòa (trú xã Văn Thành, H.Yên Thành) cho biết, năm 2021, dịch tả lợn châu Phi lan đến xã, gia đình bà phải tiêu hủy 4 con lợn nái, 16 con lợn thịt, thiệt hại hàng chục triệu đồng.
"Mất của, mất công chăm sóc đàn lợn nhiều tháng trời, nhưng chúng tôi phải chấp nhận tiêu hủy để đảm bảo an toàn theo quy định của ngành thú y. Lúc đó, xã, huyện hứa lợn tiêu hủy sẽ được Nhà nước hỗ trợ tiền nhưng đến nay đã gần 3 năm rồi vẫn chưa thấy hỗ trợ gì", bà Hòa nói.
Sau thời gian tạm lắng, tháng 9 vừa qua, dịch tả lợn châu Phi tái xuất hiện ở H.Yên Thành. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của Thanh Niên, nhiều hộ chăn nuôi đã không tự giác khai báo với chính quyền khi phát hiện lợn có dấu hiệu bị dịch mà giấu dịch, tuồn lợn bị bệnh ra thị trường. Một số hộ chăn nuôi khi lợn bị chết còn mang ra vứt xuống kênh đào Vếch Bắc - con kênh thủy lợi chảy qua 4 huyện của Nghệ An để cung cấp nước tưới và sinh hoạt.
Một người chăn nuôi ở H.Yên Thành cho biết, lợn bị tiêu hủy từ năm 2021 đến nay vẫn chưa được hỗ trợ đã gây tâm lý chán nản trong nhân dân; một số hộ phải làm liều bán tháo lợn bị dịch để vớt vát đồng vốn. Việc vứt lợn chết ra môi trường tự nhiên, nhất là kênh đào dẫn nước đến nhiều địa phương khiến chính quyền và ngành thú lo ngại mầm dịch bị phát tán đi nhiều nơi.
Sau khi phát hiện lợn chết bị vứt xuống kênh đào, UBND H.Yên Thành đã chỉ đạo công an tuần tra để xử lý những người vứt lợn bệnh ra kênh. Ngoài ra, chính quyền phát công văn đề nghị cộng đồng dân cư chung tay để phát hiện, khai báo với chính quyền địa phương qua đường dây nóng của UBND các xã khi phát hiện tình trạng vứt xác động vật ra kênh và môi trường tự nhiên.
Cần 96 tỉ đồng để hỗ trợ cho dân
Theo quy định tại Nghị định 02 năm 2017 của Chính phủ, người chăn nuôi sẽ được hỗ trợ mức 38.000 đồng/kg đối với lợn và 45.000 đồng/kg với trâu, bò phải tiêu hủy bắt buộc do mắc dịch bệnh hoặc trong vùng có dịch bắt buộc phải tiêu hủy.
Ông Nguyễn Viết Lương, Trưởng phòng Quản lý dịch bệnh (Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Nghệ An), cho biết trong 2 năm 2019 - 2020, Nghệ An đã chi trả gần 150 tỉ đồng cho người chăn nuôi có lợn bị dịch tả châu Phi buộc phải tiêu hủy. Tuy nhiên, từ năm 2021 đến nay, dịch tả lợn châu Phi và bệnh viêm da nổi cục ở trâu, bò vẫn tiếp tục xảy ra rải rác. Ước tính, Nghệ An đang cần 96 tỉ đồng để hỗ trợ cho người dân có lợn và trâu, bò buộc phải tiêu hủy từ năm 2021 đến nay.
Về lý do chậm trễ chi trả tiền hỗ trợ cho người dân, ông Lương cho biết, do quyết định của Thủ tướng Chính phủ về chính sách, đối tượng hỗ trợ, mức hỗ trợ kinh phí chi tiết trong phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi chỉ có hiệu lực từng năm. Mấy năm qua, Chính phủ và các bộ, ngành không có hướng dẫn nên địa phương không thực hiện được.
Trưởng phòng Quản lý dịch bệnh thông tin thêm, thời gian qua, UBND tỉnh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An đã gửi nhiều văn bản kiến nghị Bộ NN-PTNT tham mưu, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành cơ chế, chính sách, đối tượng hỗ trợ, mức hỗ trợ kinh phí trong phòng, chống bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò và dịch tả lợn châu Phi.
"Mới đây, Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành đã có thông báo hướng dẫn cho tỉnh giải quyết. Căn cứ theo hướng dẫn này, UBND tỉnh Nghệ An đã giao các địa phương tổng hợp, báo cáo số liệu để hỗ trợ cho người chăn nuôi bị thiệt hại do dịch tả lợn châu Phi và bệnh viêm da nổi cục theo quy định tại Nghị định 02", ông Lương nói.
Nghệ An hiện có gần 1 triệu con lợn, gần 800.000 con trâu, bò. Trong đó, khoảng 70% được chăn nuôi nhỏ lẻ theo hộ gia đình, trong khi dịch tả lợn châu Phi đang tái diễn ở một số huyện và chưa có dấu hiệu dừng lại.